Ké đầu ngựa là loài thực vật thường gặp ở khắp các bãi đất hoang hay bờ ruộng trên nước ta. Đây cũng là một loại thảo dược có nhiều tác dụng chữa bệnh mà nhiều người chưa biết đến. Ké đầu ngựa là dược liệu gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vị thuốc này trong bài viết dưới đây nhé!
Đặc điểm thực vật của Ké đầu ngựa
Ké đầu ngựa có tên khoa học là Xanthium strumarium L, thuộc họ Asteraceae (Cúc). Cây còn có tên tiếng Việt là Phắt ma, Thương nhĩ, Mác nháng (Tày).
Cây thuộc loại thân thảo, cao khoảng 50 – 80cm, sống hàng năm. Thân hình trụ, cứng, có khía, màu lục; đôi khi điểm những chấm màu nâu tím, có lông cứng, ít phân cành.
Lá cây hình tim-tam giác, mọc so le, dài 4 – 10cm, rộng 4 – 12cm. Lá thường chia 3 – 5 thùy, mép khía răng không đều, có lông ngắn và cứng ở cả hai mặt.
Hoa mọc thành cụm ở đầu cành hoặc kẽ lá, mầu lục nhạt, gồm hai loại đầu, cùng gốc. Những đầu ở phía trên nhỏ mang hoa lưỡng tính; Hoa lưỡng tính hình ống, không có mào lông, tràng có 5 thùy, nhị 5. Những đầu khác mang hoa cái; Hoa cái không có tràng và mào lông.
Quả hình trứng, có hai sừng nhọn ở đầu và phủ đầy gai móc; dài 12-15mm, rộng 0.5 – 0.8 cm; Mặt ngoài màu xám vàng hay xám nâu, có nhiều gai hình móc câu dài 0.2 – 0.3 cm, đầu dưới có sẹo của cuống quả. Hạt hình thoi, nhọn hai đầu, vỏ hạt màu xám nhạt có nhiều nếp nhăn dọc, gồm hai lá mầm dày, bao bọc cây mầm, rễ và chồi mầm nhỏ nằm ở phía đầu nhọn của hạt.
Mùa hoa quả: tháng 5 – 8.
Phân bố, thu hoạch và bảo quản
Ké đầu ngựa có nguồn gốc ở châu Mỹ, sau lan ra khắp các vùng cận nhiệt đới châu Á, châu Phi và cả ở châu Âu. Ở châu Á, ké đầu ngựa phân phối từ Ấn Độ, Trung Quốc đến các nước vùng Đông Dương, Đông Nam Á và Nam Á khác. Ở Việt Nam cây này mọc hoang ở nhiều nơi như bãi đất hoang, bờ ruộng, bờ đường.
Bộ phận sử dụng làm thuốc của Ké đầu ngựa là quả và toàn bộ phần trên mặt đất.
Khi thu hoạch người ta hái cả cây trừ bỏ rễ hoặc chỉ hái quả chín rồi đem phơi hay sấy khô. Quả thu hái khi chưa ngả màu vàng, phơi hoặc sấy khô. Dược liệu được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Thỉnh thoảng nên đem ra phơi lại để tránh nấm mốc.
Thành phần hóa học
- Cây Ké đầu ngựa chứa i-ốt với hàm lượng khá cao: 1 gam lá hoặc thân chứa trung bình 200 µg, 1g quả chứa 220 – 230 µg i-ốt. Trong lá, ngoài iod ra, còn có lượng vitamin C khá cao (7 mg/100g).
- Phần trên mặt đất chứa 2 – hydroxytomentosin – 1β, 5β – epoxyd
- Quả non chứa nhiều vitamin C và các glucose, fructose (7,2%, sucrose (4,9%), acid hữu cơ phosphatid, kali nitrat, β-sitosterol, -sitosterol, β-D glucosid của β-sitosterol gọi là strumarosid (β-D glucosid có tác dụng chống viêm). Đồng thời quả còn chứa nhiều sesquiterpen lacton: Xanthinin, xanthumin, xanthatin, xanthol, isoxanthol; tetrahydroxyflavon và stigmasterol.
- Hạt là nguồn nguyên liệu có dầu béo với tỷ lệ khá cao. nếu chiết bằng dung môi, thu được 30 – 35% một loại dầu bán khô tương tự dầu hướng dương. Dầu ké là một chất lỏng màu vàng nhạt, không mùi, có vị tương tự dầu thực vật. Hạt còn chứa một số chất gây độc cho gia súc, trong đó có hydroquinon, cholin và một chất độc hơn chưa xác định. Ngoài ra, hạt Ké đầu ngựa còn có chứa xanthostrumarin và acid oxalic và một lượng iod đáng kể.
-
Rễ ké đầu ngựa chứa β-sitosterol, stigmasterol, campesterol và một glucosid tan trong nước với độ chảy 242 độ C.
- Ngoài ra, toàn cây ké đầu ngựa là nguồn phân hữu cơ rất tốt vì giàu đạm (30 – 40% nitrogen).
Trên đây là một số thông tin về đặc điểm của cây Ké đầu ngựa. Hi vọng những kiến thức trên là hữu ích với bạn đọc. Hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của chúng tôi để tìm hiểu các tác dụng của thảo dược này nhé!
Để biết thêm chi tiết về Hắc kỷ tử và các loại thảo dược khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ:
CÔNG TY TNHH SX & TM DƯỢC LIỆU HÒA BÌNH
Địa chỉ: Thôn Om Làng, Xã Cao Dương, Huyện Lương Sơn, Tỉnh Hòa bình
Hotline: 0976.836.586
Website: https://thaoduochoabinh.net/
* Lưu ý: Mọi tác dụng của dược liệu tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.