Cây cẩu tích (lông cu li) là một loại thảo dược với nhiều công dụng tuyệt vời. Trong Đông y, dược liệu này thường dùng để điều trị các bệnh đau lưng mỏi gối, đau thần kinh tọa, tiểu tiện nhiều lần, thận hư yếu, … Những Lưu ý khi dùng cây cẩu tích là gì? Mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết.
Mô tả dược liệu câu cẩu tích
Cẩu tích là loại dương xỉ hóa gỗ, cao 1 – 3m. Thân rễ to, mọc vùi sát mặt đất, phủ dày lông mềm, vàng nâu óng ánh. Thân rễ mọc vùi nông hoặc nổi hẳn trên mặt đất. Có những cây lâu năm, thân rễ nặng tới 5kg. Khi già, phần gốc thân rễ có hiện tượng hóa gỗ.
Lá cây to, xẻ lông chim. Cuống lá to, cứng được bao phủ bởi lông mềm dài 1 – 2.5cm. Mặt trên của lá có màu xanh, mặt dưới có màu nhạt hơn. Mỗi năm mọc lên từ 3 – 5 lá mới
Cơ quan sinh sản là những túi bào tử, xếp đều đặn hai bên gân giữa mặt dưới lá. Túi bào tử có áo 2 mảnh. Bào tử hình gần tròn, sần sùi, màu vàng nhạt.
Là loại cây thích hợp sống tại nơi ẩm ướt, chịu bóng. Người ta thường tìm thấy loại thực vật này mọc thành bụi dày ở ven rừng, dọc bờ suối, … ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ và châu Á. Ở nước ta, cẩu tích phân bố tương đối rộng rãi khắp các tỉnh miền núi như: Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, ….
Công dụng của cây cẩu tích
Bộ phận thường được dùng làm thuốc là thân rễ (tên vị thuốc là Cẩu tích) và lông thân rễ (lông mao). Thân rễ cẩu tích chứa tinh bột với tỷ lệ khoảng 30% và nhiều chất khác như: b – sitosterol, acid stearic, daucosterol, acid cafeic, acid protocatechuic. Lông thân rễ chứa tanin và sắc tố.
Thân rễ cây được dùng làm thuốc chữa tê thấp, tay chân nhức mỏi, đau lưng, đái dắt, bạch đới, đau dây thần kinh hông. Liều dùng hàng ngày: 10 – 20g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Lông mao ở thân rễ có tác dụng cầm máu nhanh các vết đứt chân tay. Ngoài ra còn dùng đắp các vết thương phần mềm.
Xem thêm >>> Tác dụng của cây cẩu tích đối với sức khỏe
Thu hoạch và bảo quản
Khi cây có thân rễ nặng khoảng 1kg thì có thể thu hoạch. Người ta đào thân rễ lên, cắt hết lá và rễ phụ. Đem dược liệu đi phơi khoảng 1 – 2 nắng rồi đốt cho cháy hết các phần phụ. Dùng dao đẽo mỏng bỏ phần vỏ ngoài rồi rửa sạch, cắt thành lát. Nếu không đốt thì phải hấp cho tới khi mềm rồi mới cắt lát. Đem phơi hoặc sấy khô để bảo quản được lâu. Khi dùng tẩm rượu sao vàng.
Lấy lông mao đồng thời với khâu đào thân rễ. Loại bỏ phần lông già đã ngả sang màu nâu. Có thể rửa sạch, sau phơi hay sấy khô tiệt trùng.
Lưu ý khi dùng cây cẩu tích
Những trường hợp sau đây cần lưu ý khi sử dụng dược liệu cây cẩu tích:
- Người không ở thể hư hàn
- Người thận hư do nhiệt, nước tiểu vàng
- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú
- Trước khi dùng để trị bệnh, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sỹ chuyên khoa hoặc thầy thuốc Đông y để có cách dùng phù hợp.
- Không nên tự ý dùng, lạm dụng dược liệu sẽ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn
Trên đây là một số đặc điểm và lưu ý sử dụng cây cẩu tích. Hi vọng những thông tin trên hữu ích với bạn đọc. Chúc các bạn sử dụng dược liệu an toàn và đạt hiệu quả cao nhất.
Để biết thêm chi tiết về Cây Cẩu tích và các loại thảo dược khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ:
CÔNG TY TNHH SX & TM DƯỢC LIỆU HÒA BÌNH
Địa chỉ: Thôn Om Làng, Xã Cao Dương, Huyện Lương Sơn, Tỉnh Hòa bình
Hotline: 0976.836.586
Website: https://thaoduochoabinh.net/
* Lưu ý: Mọi tác dụng của dược liệu tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.